Khám Phá Lễ Hội Chùa Bà Thiên Hậu: Một Trải Nghiệm Văn Hóa Đặc Sắc Tại Bình Dương

Thứ bảy - 08/02/2025 02:06
Chùa Bà Thiên Hậu còn được biết đến với tên gọi khác là miếu Bà Thiên Hậu. Đây là ngôi miếu do cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Bình Dương xây dựng giữa thế kỷ XIX để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, vị Thần phù hộ cho người đi biển. Hằng năm, vào dịp rằm tháng Giêng là thời điểm  diễn ra lễ hội chùa Bà Thiên Hậu. Đây được xem là lễ hội lớn nhất của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam, nét đẹp văn hóa tín ngưỡng trong đời sống tinh thần của người dân, cũng là điểm thu hút khách du lịch đến với Bình Dương trong dịp đầu năm mới. 

1. Truyền thuyết về Bà Thiên Hậu
            Bà Thiên Hậu có tên thật là Mi Châu. Bà sinh vào năm 960 vào thời Tống Kiến Long nguyên niên và sống ở tỉnh Phước Kiến (Trung Quốc). Câu chuyện truyền thuyết về Bà có mối lên hệ sâu sắc với sự ra đời của lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương.
            Sự tích kể lại rằng, trong một lần Bà đã xuất thần khi đang ngồi dệt vải cạnh mẹ để đi cứu cha và hai anh đang gặp nạn. Được biết, cha và hai anh trai của Bà đã gặp bão lớn khi đang trên thuyền chở muối đến Giang Tây. Bà dùng răng cắn chéo áo của cha, còn hai tay thì ôm lấy hai anh. Tuy nhiên, ngay lúc đó thì mẹ Bà lại gọi và buộc Bà trả lời. Bà vừa mở miệng để trả lời thì không may sóng cuốn cha Bà cuốn đi. Cuối cùng chỉ cứu được hai anh.


2. Ý nghĩa của Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu
            Năm Canh Dần (1110), Bà được nhà vua sắc phong là 'Thiên Hậu Thánh Mẫu'. Kể từ đó, mỗi khi thuyền bè của ngư dân ngoài biển gặp nạn, người nhà đều đến vái Bà để xin bình an thoát khỏi sóng to gió lớn, trở về bờ an toàn. Và lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu cũng được ra đời. Nó chủ yếu là đề cao một người phụ nữ người Hoa có tấm lòng cao quý, đức hạnh, dám xả thân vì chúng sinh. Bà đã trở thành hình tượng cao đẹp để cho con cháu đời sau noi gương theo.
            Để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với sự bảo hộ, phù trợ của Bà, Chùa Bà Thiên Hậu đã được xây dựng. Sau đó, cũng được tổ chức lễ hội hằng năm. Mục đích của lễ hội là để ghi nhớ công ơn đối với Bà. Đồng thời, nhắc nhở con cháu đời sau phải có tấm lòng cao đẹp, giúp đỡ cộng đồng. Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu không chỉ là một trong những hoạt động văn hóa của người Hoa mà còn góp phần thu hút khách thập phương đến chùa tại Bình Dương hằng năm để cầu bình an, mưa thuận gió hòa.
            Ban đầu, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu tại Bình Dương được tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa sinh sống nơi đây, nhưng về sau những câu chuyện về Bà Thiên Hậu ngày một lan rộng, người dân địa phương và các khu vực lân cận cũng thờ phụng Bà. Mỗi khi Tết đến xuân về, chùa Bà Thiên Hậu là điểm đến, và lễ hội cùng tên trở thành một trong những lễ hội lớn bậc nhất của người dân Nam Bộ. Đặc biệt, vào ngày rằm tháng Giêng âm lịch hằng năm, hàng vạn lượt người đến từ khắp cả nước đổ về dự hội.


3. Thời gian tổ chức lễ hội
            Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu tổ chức rước kiệu Bà hằng năm, bắt đầu vào lúc nửa đêm ngày 14 cho đến ngày 15 tháng Giêng Âm lịch. Lúc này, đông đảo khách du lịch thập phương sẽ đến hành hương và tham gia lễ hội. Người dân không chỉ ở Bình Dương mà còn từ các tỉnh thành lân cận cũng đến đây để cầu an, cầu sức khỏe và tài lộc.


4. Địa điểm
            Miếu Bà Thiên Hậu hiện nay tọa lạc trên số 4 đường Nguyễn Du, TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất được cộng đồng người Hoa xây dựng tại đất Đề Ngạn xưa. Ngày nay, chùa Bà là địa điểm tín ngưỡng của đa số người Việt gốc Hoa tại Bình Dương cũng như trên các tỉnh thành lân cận.


5. Các nghi thức trong Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu
            Lễ hội được tổ chức với nhiều nghi lễ theo tín ngưỡng của người Việt gốc Hoa. Có nhiều tiết mục hấp dẫn mang đậm tính văn hóa dân gian. Lễ hội bắt đầu bằng nghi thức khấn bài khai mạc. Tiếp đến là văn tế bằng tiếng Quảng Đông nhằm ca tụng công đức cũng như bày tỏ lòng biết ơn chân thành đến Bà Thiên Hậu.
            Ngày 15 của lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu Bình Dương sẽ diễn ra phần đặc sắc nhất đó chính là lễ rước kiệu Bà. Theo đó, mọi người sẽ rước kiệu Bà đi xung quanh thành phố Thủ Dầu Một. Cùng với đó là sự náo nhiệt của những đội múa lân, sư tử, rồng, cờ xí,... Những người dân xung quanh cũng hân hoan chuẩn bị lễ cúng. Đồng thời, cầu mong Bà ban lộc, ban phước khi đoàn rước đi qua trước nhà.

 

            Cuối cùng, vào đêm ngày 22, lễ tắm Bà sẽ được tổ chức. Bước sang ngày 23, mọi người làm lễ rước Bà thêm 1 lần nữa. Người dân sẽ rước tượng Bà đi qua các con đường quanh chùa trong không khí tươi vui rộn ràng của đoàn múa rồng, múa lân, đội nhạc dân tộc,...
            Những năm gần đây, lễ hội chùa Bà Thiên Hậu còn được biết đến là "Lễ hội miễn phí". Khi tới đây, mọi người đều được miễn phí từ đồ ăn, thức uống đến nhang, đèn. Không khó để nhận ra những thùng nước suối miễn phí được xếp dọc những con đường gần khu vực chùa Bà. Nước uống được phục vụ cho tất cả mọi người, không phân biệt khách có đi lễ hội hay không. Ngoài ra, nhiều gia đình ở thành phố Thủ Dầu Một còn chuẩn bị sẵn hàng trăm suất bánh mì, cơm chay để phục vụ bà con. Điều này ít nhiều đã khiến du khách thập phương mang cảm nhận được sự ấm áp của người dân Bình Dương khi đến với tỉnh nhà.
Nguyễn Nhàn
Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây